Bài viết dưới đây, với tựa đề Freeze Frame của tác giả Charlie Barone được đăng tải trên trang www.bodyshopbusiness.com.
Charlie Barone là người hoạt động trong lĩnh vực phục hồi và sửa chữa thân xe trong hơn 35 năm qua, sở hữu và điều hành một mạng lưới xưởng đồng sơn, được chứng nhận bằng Master bởi ASE, bằng thẩm định hư hại phương tiện giao thông, tham gia viết lách từ 1993.
Khi tôi bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này 35 năm trước đây, việc một thiết bị nắn khung hiện diện trong xưởng sửa chữa thân xe được xem như là một ngoại lệ thay vì là một thiết bị bắt buộc phải có như ngày nay. Thay vào đó, các chuyên viên kỹ thuật của xưởng thường tiến hành các hoạt động sửa chữa thân vỏ hoặc cân chỉnh góc đặt bánh xe trong các sửa chữa xe tai nạn mà không có các kiến thức kỹ thuật được đào tạo bài bản hay trang thiết bị phù hợp để thực hiện các quy trình sửa chữa đó. Trong thực tế, tôi thậm chí còn nhớ rằng, một chuyên viên kỹ thuật tại xưởng mà tôi làm việc đầu tiên, một Đại lý Oldmobiles – Saab, còn chủ yếu sử dụng nhà thầu phụ, mà trong biên bản thỏa thuận với hãng bảo hiểm, mục nắn khung xe được ghi vào cột sửa chữa bên ngoài, như là một sự phân công công việc rất tự nhiên ở thời đó.
Điều này, tất nhiên xảy ra ở thời đại mà thân xe liền khối chưa được phổ biến. Những chiếc xe này, sau đó dễ bị tổn thương cấu trúc thân xe hơn sau khi xảy ra va chạm, so với cấu trúc khung xe rời phổ biến trước đó. Cũng tức là các nhu cầu về phục hồi cấu trúc thân xe tăng lên và nhu cầu giảm thời gian sửa chữa thúc đẩy các xưởng Dịch vụ có trang bị cho riêng mình một hệ thống nắn khung xe.
Những thiết kế ban đầu
Những thiết bị nắn khung phổ biến ban đầu được giới thiệu rộng rãi bởi công ty Blackhawk vào năm 1949. Được gọi là “Damage Dozer” – Càng gập, nó đơn giản là 2 khung thép thẳng khá nặng, nối với nhau bằng khớp bản lề, với một xy-lanh thủy lực chống ở giữa 2 thanh thép, gần khớp nối. Một thanh sẽ được neo chặt vào một bên thân xe, trong khi thanh còn lại được móc bằng xích vào chỗ thân xe bị hư hại. Trong một số trường hợp, chỗ neo thanh chống vào thân xe lại gây ra một hư hại khác, nhưng thiệt hại đó lại được coi là một hậu quả không thể tránh khỏi để sửa xe. Một nhà thầu phụ mà xưởng đầu tiên tôi làm việc hay thuê, ông ta có một thiết bị Càng gập như vậy, được đặt trên một giá đỡ có bánh xe để ông ta có thể kéo đi các nơi bằng chiếc El Camino đời 1965 của mình.
Những bộ thiết bị nắn khung kiểu giá kệ cho phép lái xe lên (tiền nhiệm của những thiết bị nắn khung ngày nay) được chuyển thể từ những thiết bị khung gá dùng cho cân chỉnh góc đặt bánh xe,mà một số chúng được sản xuất bởi Bear Manufacturing ở Rock Island, Ill. Các cửa hiệu chuyên cân chỉnh góc đặt bánh xe thường nhận được các yêu cầu căn chỉnh bánh xe cho các xe mới làm xong phần việc sửa chữa thân xe. Nhưng có quá nhiều trường hợp, khung xe bị biến dạng quá tệ khiến cho việc căn chỉnh này không thể thực hiện được. Một cách rất tự nhiên, một số thiết bị thủy lực được thêm vào nhằm thực hiện các hoạt động chống – đẩy để bù lại các sai sót sửa chữa này.
Thế hệ tiếp theo sau của Càng gập – Dozer, là hệ thống Blackhawk Korek, cấu thành từ một ma-trận các khung thép được chôn chìm xuống dưới sàn bê tông. Trên đó, có thể bố trí các hệ thống neo chặt khung xe, các tháp kéo hoặc hệ thống khung chống. Sàn bê tông được gia cố đặc biệt cứng. Các hệ thống này đã rất phổ biến và còn được sử dụng cho tới ngày nay.
Các máy móc của hệ thống Korek được sử dụng phối hợp với bệ nâng, và một hệ đồ gá chuyên dụng có độ chính xác cao. Bộ đồ gá này thông dụng với các Đại lý xe hơi, vì thông thường, họ đầu tư thiết bị để sửa chữa một số dòng xe nhất định. Những hệ thống đồ gá này, thông thường yêu cầu phải tháo hệ thống treo ra, để các đồ gá có thể tiếp cận đúng vị trí được yêu cầu định vị trên thân xe. Việc này đôi khi làm giảm năng suất vì tốn thời gian cho khâu thiết lập. Điều này dẫn tới hậu quả là có rất nhiều hệ thống đồ gá không được sử dụng tới, nhất là ở những nơi mà kỹ thuật viên làm việc theo cơ chế khoán, khi mà họ cần tốc độ sửa chữa.
Ví dụ như ở một Đại lý Chevy, nơi tôi làm đốc công xưởng đồng sơn, các kỹ thuật viên chịu mức khoán cao, họ coi thường độ chính xác của đồ gá cũng như cảm thấy thời gian thiết lập các đồ gá là lãng phí, họ tin vào các cảm nhận và kinh nghiệm cá nhân. Đối với họ, thời gian là tiền bạc, nên thiết bị nắn khung bị xếp xó vì họ tin rằng, một khi tấm kim loại thay thế hay phục hồi được lắp khít vào chỗ, thì chiếc xe đã đủ tốt để lăn bánh trở lại.
Tiến hóa gần đây
Dave Demarest, Chủ sở hữu Metropolitan Car-O-Liner, một đại lý của Car-O-Liner ở North Jersey Hoa kỳ, người đã theo dõi tiến trình phát triển của công nghệ sửa chữa thân xe kể từ khi ông còn là một đứa trẻ, cho tới khi quản lý một vài xưởng và cuối cùng là mua một xưởng ở Northvale, New Jersey. Xưởng này nằm kế với Văn phòng điều hành của Volvo tại Bắc Mỹ nên sau đó ông có cơ hội được tiếp xúc với Nhà sản xuất thiết bị Car-O-Liner từ Thụy điển.
Theo Demarest, Car-O-Liner khởi đầu vào đầu những năm 70’ ở Châu Âu, nơi mà xe hơi lần đầu tiên được sản xuất trên đồ gá. Các nhà máy chế tạo thân xe chỉ có 5 hoặc 6 loại cấu trúc thân xe, làm cho năng suất sản xuất xe tăng lên với chi phí sản xuất giảm đi, nhưng luôn gây ra vấn đề về đồ gá khi các xe cần sửa chữa lại ở các xưởng dịch vụ. Đã xảy ra tình trạng là các kỹ thuật viên chỉ nâng chiếc xe hơi lên, quan sát và giả định rằng phần khung xe là OK, không cần phải sửa chữa gì cả, bởi vì họ cần những đồ gá mà họ không có cho việc xác định hư hỏng và phục hồi nó.
Ngày càng có nhiều model xe mới ra đời và việc chờ đợi có thể nhập được đúng đồ gá cần thiết là kéo dài hơn. Demarest cho biết, “ phải tháo hết cả các cơ cấu cơ khí của xe ra, để rồi kỹ thuật viên lại chỉ dùng ít đồ gá hơn quy định để phục hồi xe.
Volvo cuối cùng cũng có được trong tay một thiết bị nắn khung Car-O-Liner (phát triển bởi Uno Johansson) vào năm 1978 và yêu cầu Demarest đánh giá nó cho thị trường Hoa kỳ. Ở thời đó, chỉ có khoảng 25% lượng xe ở Hoa kỳ có kết cấu thân xe dạng sat-xi liền khối. Volvo lúc đó chỉ là một tên tuổi nhỏ, nhưng ở thời điểm đó đã nhận ra tiềm năng của thị trường, cũng như tầm quan trọng phải có một thiết bị phù hợp để sửa chữa thân xe dạng liền khối ở thị trường Bắc Mỹ.
“Khái niệm về sử dụng khung giá để sửa chữa là không mới, nhưng việc sử dụng một hệ khung gá đa năng khi đó là hoàn toàn mới” Demarest cho biết. “Bất kỳ chiếc xe nào sau khi đưa lên khung gá đều được phục hồi chính xác như khi mà nó được sản xuất ra, chính xác y như kêt cấu thân máy bay”
Cũng theo Demarest, vào năm 1972, Johansson đã đăng ký phát minh và hợp tác với một công ty thép có tên là SEMFA, nơi mà các kỹ sư sản xuất ra một kết cấu đủ khỏe, đủ cứng vững, đủ nhẹ và đủ chính xác để sản xuất ra đúng thiết bị mà ổng đã hình dung ra. Thiết bị đã được sản xuất ra ở Châu Âu, nơi mà hầu như các xe hơi đều được sản xuất ra dưới dạng kết cấu thân liền khối, đáp ứng được tiêu chí tiết kiệm nhiên liệu đắt đỏ của một Châu Âu đang tái thiết sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Hoa kỳ cũng buộc phải theo xu hướng này sau khi đối mặt với khủng hoảng dầu lửa vào năm 1973.
Cho tới đầu những năm 80, các nhà sản xuất thiết bị nắn khung ở Hoa kỳ vẫn còn chế tạo ra các loại kẹp mà định vị thân xe bằng các mối hàn. Và bộ phận kinh doanh của Car-O-Liner ở Thụy điển nhận ra rằng, thị trường của họ ở Hoa kỳ sẽ phát triển mạnh mẽ.
Đầu tiên là do ưu điểm của thiết bị đo kích thước thân xe mà dữ liệu chuẩn cung cấp bởi Car-O-Liner cho phép đo theo kích thước không gian 3 chiều. Trước đó, các kỹ thuật viên phải dùng thước rút và thước thẳng để đo phụ tùng tháo xe nhằm biết kích thước cấu trúc thân xe.Với hệ thống đo và dữ liệu mới này thì việc đo phụ tùng đó là không cần nữa.
Ngày nay thì Car-O-Liner là một trong các nhà sản xuất thiết bị nắn khung uy tín nhất thế giới, họ tiếp tục sản xuất ra các bệ nắn khung mà phần bệ cho xe lên có thể tháo rời ra, cho phép tiếp cận tới các khu vực hư hỏng của xe dễ dàng hơn. Công ty vẫn tiếp tục cung cấp cho các khách hàng các dữ liệu cập nhật cho những thiết bị đo cơ khí dùng trên các bệ thế hệ đầu, nhưng đồng thời cũng có thể truy cập on-line để người dùng được thuận tiện hơn.
Phương pháp tiên phong
Lavel Chisumđược coi là người tiên phong thực sự trong kinh doanh sửa chữa va chạm, đó là bởi vì ôngđã phát minh raChiefEZLiner.
“Tôi đã không muốn làm việc sửa chữa thân xe, nhưng tôi đã được huấn luyện để làm việc đó, và làm tốt để lúc nào cũng có một công việc liên quan” Ông Chisum 82 tuổi (2009) nói. Ông là chủ xưởng sửa chữa thân xe, một cao bồi chăn bò, một người nông dân, một công dân của Alaska.
Chisum gia nhập vào lãnh vực sửa chữa thân xe vào thập niên 40, làm công việc ở xưởng của Bố ông ở Vernon, Texas.
“Tôi đã hầu như không còn sửa thân xe nữa, nhưng bằng cách nào đó, tôi vẫn theo cùng với nó, với những gì tôi có thể làm được tốt nhất là phát minh” Chisum nói “Tôi có khoảng 10 -15 phát minh, mặc dù chỉ có khoảng 1-2 cái là có hiệu lực mạnh mẽ. Nhưng tôi còn khỏe chán, tôi vẫn đang làm tiếp những việc mà tôi muốn, nó chỉ hơi mất thời gian hơn trước một chút thôi”
Khi Chisum làm công việc nắn khung xe, ông đã nhận thấy rằng, chính trong công việc này, máy móc có thể làm việc với chất lượng tuyệt vời. Trong quá trình hành nghề ở Alaska, ông cho biết rằng, công việc ở đó vận hành bằng sự cạnh tranh về chất lượng, và ông biết rằng, ông có thể làm công việc đó tốt hơn nữa.
“Tôi đã không thể nào có được chất lượng sửa chữa như tôi mong muốn và đánh bại những gã đồng nghiệp bản địa, cho tới khi mà tôi thực sự nghiêm túc về việc làm ra một cỗ máy mà tôi đã mơ ước trước đó nhiều năm” Ông Chisum nhớ lại.
Ông Chisum đã giành toàn bộ khoảng thời gian cuối tuần, vẽ ra những mẫu máy phù hợp với các loại xe cỡ nhỏ, cỡ trung và cỡ lớn, để tìm ra kích thước phù hợp của thiết bị. Ông sau đó đã dựng thử 3 chiếc máy, bằng cùng một loại vật liệu để cuối cùng làm ra được một chiếc máy phù hợp nhất. Ông sau đó bán chiêc máy cho Glacier Lincoln Mercury ở Anchorage vào năm 1968, và sau đó như thỏa thuận, vận hành thiết bị EZ Liner ở Đại lý trong 1 năm sau đó.
Chisum sau đó còn bán được một thiết bị khác nữa cho Bean’s Glass and Body Works ở Fairbanks. Chiếc thiết bị này được dựng ở sân trước nhà ông.
“Công việc này hầu như làm cho tôi mất sạch tình láng giềng với hàng xóm” Ông Chisum hồi tưởng.
Đó là giai đoạn khó khăn, Ông đã cùng con trai trên chiếc xe bán tải nửa tấn, kéo theo thiết bị nắn khung được đặt trên một chiếc cầu xe, để đi khắp nơi tìm tài trợ. “Tôi thậm chí còn chẳng đủ tiền mà ngủ khách sạn”
Sau khi dựng và bán thành công một vài thiết bị, Chisum cuối cùng đạt được một thỏa thuận với một người tài trợ ở Minneapolis để khởi động một nhà máy sản xuất ở Oklahoma. Cho dù có vô số cải tiến nhỏ, về cơ bản, thiết bị vẫn giữ nguyên như chiếc đầu tiên ông đã làm ra.
Chisum quyết định chỉ thu lời nhỏ cho sản phẩm của mình. Khác với bây giờ, thời đó cạnh tranh không có khốc liệt bằng. Tóm lại là có 2 lựa chọn: thiết bị hiệu Bear của Chisum và Marquette, Và Marquette, tiền thân của DuzMor bây giờ, là một cỗ máy tốt nhưng khá đắt tiền và cồng kềnh.
Sau khi bán đi toàn bộ cơ nghiệp của mình ở Alaska, Chisum đưa gia đình của mình về Minneapolis. Trong hành trình về Oklahoma, khi mà ông đã hoàn toàn “khánh kiệt”, kéo theo vợ, 4 đứa con và 2 con chó, ông nhận ra rằng, người bán hàng của ông đã không bán được bất kỳ một thiết bị nào. Vậy là ông đi Oklahoma với hy vọng sẽ tìm kiếm được một ai khác sẽ đứng ra tài trợ cho mình và hệ thống thiết bị EZ Liner.Trước khi đến được Claymore, Ông đã tới gặp 13 Nhà băng và cuối cùng viếng thăm người đứng đầu phòng Thương mại Ngân hàng Quốc gia số 1.
Chisum nói rằng, ông đã có một cuộc nói chuyện rất cởi mở và tâm đầu với Chủ nhà Băng, sau một cuộc trao đổi chừng 30 phút, ông Chủ Nhà băng nhìn Ông và nói “Tôi tin ông, tôi sẽ cho ông vay đủ số tiền để ông có thể làm ra những chiếc máy của mình”
Phần còn lại của câu chuyện, trở thành lịch sử. Thiết bị EZ Liner của Chisum trở thành thiết bị nắn khung phổ biến nhất ở Hoa kỳ. Chisum được công nhận bởi Bằng Sáng chế, luật về sở hữu thương hiệu và độc quyền của Chính quyền Bang Oklahoma, ghi nhận các đóng góp của Ông đối với công nghiệp sửa chữa thân xe của Hoa kỳ.
EZ Liner ngày nay thuộc Công ty Chief Automotive Technologies, thuộc tập đoàn VSG - Dover Company, một tập đoàn lớn sở hữu nhiều thương hiệu thiết bị sửa chữa ô tô như cầu nâng Rotary, máy hàn Elektron
Thẳng đến tương lai
Giống như các loại thiết bị, máy móc nói chung, thiết bị nắn khung đã phát triển theo một dòng chảy không ngừng của sự tiến hóa. "Sự cần thiết là mẹ của sáng chế," triết gia Plato nói, và điều đó là chưa bao giờ đúng đắn hơn khi phản ánh về sự phát triển của những kỳ tích hiện đại mà chúng ta đang có ngày hôm nay. Có nhiều biến thể, nhưng tất cả đều quan trọng để thực hiện nhiệm vụ yêu cầu của các cơ sở sửa chữa va chạm công nghệ cao,điều đó là rất quan trọng để đưa chiếc xe trở lại đúng như khi nó được sản xuất ra. Khi xe hơi trở nên ngày một tinh vi hơn, các máy móc để sửa chữa chúng, tất nhiên cũng sẽ tiến bộ theo đúng chiều hướng như vậy.